Wednesday, October 21, 2009

Từ Thái Hà Đến Bát Nhã

Đọc và nghẫm nghĩ ...
Một bài viết của luật sư Lê Trần Luật (mang từ danluan.org)
Chỉ có những trái tim sống mới viết những bài thế nầy...

Nhưng Ls Lê Trần Luật đang bị đàn áp ..... vì sao ???????

-----------------------------------------------------------------------------------------------

Ls Lê Trần Luật - Từ Thái Hà đến Bát Nhã

Dân ta có truyền thống tôn trọng những bậc tu hành. Đó là một trong những nền tảng văn hóa và đạo đức của dân tộc. Có rất nhiều vị vua khi lên ngôi, đã cho trùng tu và xây dựng rất nhiều chùa chiền, mà bây giờ đã trở thành di sản văn hóa.

Trong ký ức lờ mờ, tôi nhớ vào những ngày giữa tháng 4 năm 1975, bố mẹ tôi đưa các anh em tôi đến ngôi Chùa gần nhà để trú ẩn, vì sợ "chiến tranh". Đến khoảng giữa năm 1980, khi đất nước đã thống nhất, bỗng dưng phi trường quân sự ở quê tôi phát nổ. Những tiếng nổ long trời lở đất kéo dài từ sáng sớm cho đến chiều tối, hệt như chiến tranh đang xảy ra. Đến giữa trưa, mọi người lũ lượt kéo đến các nhà Chùa và nhà Thờ để trú ẩn. Sau này khi lớn lên, bố mẹ tôi giải thích là phải vào nhà Chùa hoặc nhà Thờ vì đó là nơi linh thiêng, "chiến tranh" không vào được. Vả lại, ai ai cũng tôn trọng những bậc tu hành. Tôi mang bài học và sự trải nghiệm đó khi lớn lên. Gặp các Cha, các Sư thầy tôi đều lễ phép và kính trọng. Rồi có dịp đọc Kinh Thánh và các sách nhà Phật tôi càng tin rằng những bậc tu hành là biểu tượng của đạo đức và niềm tin. Cuộc đời của các vị không có gì ngoài hai chữ Tu Hành.

Hằng năm, sau giao thừa, rất nhiều người đã kéo đến các Chùa, nhà Thờ để thắp hương cầu nguyện cho một năm mới an lành. Nét đẹp văn hóa đó đã in sâu vào lòng từng người dân Việt Nam. Khi nói đến nhà Thờ, nhà Chùa tôi tin rằng mọi người đều công nhận đó là những nơi tôn kính và linh thiêng. Vậy mà, từ nhà thờ Thái Hà đến nhà chùa Bát Nhã là câu chuyện nhiều bi thương, thể hiện sự xuống cấp của một nền đạo đức và sự suy đồi của nền văn hóa dân tộc.

Câu chuyện bắt đầu từ những buổi "cầu nguyện lịch sử" của những người Công giáo ở nhà thờ Thái Hà. Sau sự kiện đó nhiều giáo dân đã bị bắt, bị truy đuổi và đánh đập. Từ đó, các Cha bị xem là "tội đồ”, nhà thờ Thái Hà bị xem là nơi "nguy hiểm" cho Chính quyền. Nhiều "đối sách” đã được đưa ra để "xử lý" nhà Thờ và các Cha. Môt lực lượng "đa thành phần " đã được huy động để bao vây nhà Thờ và các Cha. Đặc biệt trong đoàn quân "Liên hợp quốc" đó có cả đám "xì ke, hút chích" và đám “thanh niên, sinh viên tình nguyện". Họ hô to: giết, giết, bất chấp đó là nơi linh thiêng. Họ nhổ nước bọt và phỉ báng các cha bằng những lời thô tục, bất chấp các Cha là những bậc tu hành. Đám xì ke hút chích đã đành, ở đây có rất nhiều thanh niên sinh viên. Trong số họ chắc có nhiều Đoàn viên, chắc hẳn có nhiều người từng đoạt danh hiệu “cháu ngoan Bác Hồ”. Mà Bác đâu có dạy những điều mất dạy và vô đạo đức đó! Đi đến đâu, từ trường tiểu học, đến trung học, đến đại học đều thấy nêu cao khẩu hiệu: Tiên học lễ, hậu học văn! Không hiểu sao họ lại hành đông mất hết cả lương tâm và đạo đức như vậy.

Đến Bát Nhã, câu chuyện càng kinh hoàng hơn! Lần này không biết có đoàn quân "Liên hợp quốc" không, nhưng thấy có rất nhiều "côn đồ”. Đám này tấn công trực diện vào các nhà sư. Đánh đập và xua đuổi chưa đủ, đám này tung "tuyệt chiêu" bóp vào "chỗ kín" của các sư thầy. Ở đây, không những đạo đức đã không còn, mà tình người và lương tâm cũng bi đánh mất. Sự kiện này đã gây xúc động cho hàng triệu triệu người. Hàng trăm người đã tình nguyện ký vào danh sách phản đối. Dòng chúa cứu thế Việt Nam cũng đã có sự chia sẻ và cầu nguyện cho Bát Nhã. Phải chăng cả hai đều là nạn nhân của một nền đạo đức suy đồi và xuống cấp? Phải chăng những giá tri xã hội chuẩn mực đã bị xóa nát, nhường chỗ cho những "giáo điều" hoang tưởng, lạc hậu và ngu ngốc?

Đạo đức là gốc của con người. Pháp luật có thể vô tình, nhưng đạo đức thì không. Đạo đức chứa đựng cả tâm tư tình cảm của con người, chứa cả "hồn" của dân tộc. Nếu như pháp luật điều chỉnh con người từ bên ngoài, thì đạo đức điều chỉnh từ bên trong. Pháp luật trừng phạt con người bằng sức mạnh Nhà Nước, thì Đạo đức trừng phạt bằng sức mạnh của dư luận. Một hệ thống pháp luật ổn đinh phải dựa trên một nền tảng đạo đức ổn định. Tôi không có điều kiện để làm thống kê về tội phạm một cách chính xác, nhưng qua những bản án có được, tôi nhận thấy những người có Đạo ít có khuynh hướng phạm tội. Đó là điều cần lưu ý để thấy được sự tác động tích cực của tôn giáo trong việc xây dựng nhân tố con người và ổn định xã hội.

Có người hỏi tôi: "Có phải vì muốn đàn áp tôn giáo nên người ta sử dụng nhiều biện pháp vô đạo đức, hay vì nền đạo đức xuống cấp nên người ta mới đàn áp tôn giáo, hay cà hai đều đúng?". Câu trả lời xin nhường lại cho quý độc giả.

Sài Gòn ngày 17/10/2009
Ls Lê Trần Luật

Monday, October 12, 2009

Nghĩ Gì Về Những Hình Ảnh Nầy

1- Tuần hành tại Paris, Pháp vì Bát Nhã

(nhấn chuột vào để xem hình lớn)






2 - Buồn thay cho một đất nước "Độc lập - Tư Do - Hạnh Phúc"
Các người tu hành ở Bát Nhã (Bảo Lộc, V
iet Nam) bị buộc rời nơi tu học






3- Người đẹp nhưng nói láo : "Không có việc 'ep' 400 người rơi Bát Nhã"
Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Viet Nam, Nguyễn Phương Nga

Saturday, October 10, 2009

Vụ Trân Khải Thanh Thủy và ảnh bị sửa!

Dantri.com đưa tin "Bà Trần Khải Thanh Thủy bị bắt về tội cố ý gây thương tích" ngày 9 tháng 10 có sử dụng 2 tấm hình chụp ngày 28/2/2005 và được chỉnh sửa ngày 9/10/2009 bằng Photoshop 7.0.

Thật là dơ bẩn! Bộ mặt thật đã và đang lộ ra !

(click to large)

Wednesday, October 7, 2009

Một lời khuyên chân thành

Đoạn dưới đây là comment bài viết "Trần Dần & Tố Hữu" trên trang blogosin.org
Có lẻ đây cũng là lời khuyên chân thành dành cho thế hệ trẻ trước tình hình hiện tại :
(TH dưới đây là Tố Hữu. Đúng ra 2 câu thơ dưới đây là của Hồ Chí Minh trong bài "Cảnh Rừng Việt Bắc - 1947)
----------------------------------------------------------------------------------------
Em nhớ thêm lúc học PTTH cấp 3, có học được câu thơ này của TH:
Cảnh rừng Việt Bắc thật là hay
Vượn hót chim kêu suốt cả ngày
Đã từng học thơ văn cổ kim, thấy câu thơ này chả ra gì, sao lại được xếp vào “đỉnh cao trí tuệ” (còn dở hơn câu “Ngồi buồn gải háng, dái lăn tăn” của CTT TVHương nữa). Em hỏi cô giáo: ” bộ vượn và khỉ ở VB không ăn không nghỉ sao mà hót suốt cả ngày?” Cô giáo (từ Bắc vào, là Chính Trị Viên của trường) trả lời: “Em cứ học đi, đừng thắc mắc”.
Nhưng vào cuối năm học lớp 12, cô giáo ấy đã nói với chúng em: “Thế hệ trẻ tốt như vầy mà mất hết thì tiếc lắm, các em tính cho tương lai của mình đi”. Nhờ câu nói đó mà hơn 2/3 chúng em đã ra nước ngoài. Bây giờ gặp nhau vẫn nhắc lại chuyện cũ và cám ơn cô giáo văn tốt bụng…

Tuesday, October 6, 2009

Câu hỏi của một 8X "trẻ trung, năng động, sáng tạo"

Bài nầy là nỗi lòng của của một tác giả lớp 8x trước tình hình hiện tại của đất nược đăng trên bauxitevietnam.info
bài viết cảm động ...
Bài viết có đoạn:
" nếu không có công nghệ thông tin thì cháu sẽ không bao giờ được biết..."
Có lẻ phải cám ơn "Internet"

----------------------------------------------------------------------------------


Kính gửi các bác Ban Biên tập Bauxite Việt Nam,

Trong bài viết của mình cháu sẽ viết về sự thay đổi trong cảm nhận của cháu về thời cuộc, sau một số sự kiện gần đây, nhất là việc nhà nước cho phép dự án bauxite Tây Nguyên, từ góc nhìn một thanh niên thuộc thế hệ 8x, cái “thế hệ vàng”, cái thế hệ “trẻ trung, nhiệt huyết, năng động, sáng tạo, đột phá, mạo hiểm, dám nghĩ dám làm”, vân vân và vân vân.

Cháu biết đây là những từ sáo rỗng (cliché) và quá nhàm (nhất là cái từ 8x). Nhưng cũng giống như nàng Anna Karenina chính vì căm ghét giả dối nhưng bất lực với nó, mà tìm thấy sự vui thích trong việc giả dối lại với xã hội quý tộc đạo đức giả, các bác cho phép cháu mở đầu bài viết bằng những từ như vậy, âu cũng là một cách đùa bỡn lại cái xã hội giả dối chẳng kém gì cái xã hội của Anna Karenina, mà có khi còn hơn thế nữa.

Giả dối từ đối ngoại với việc phổ biến cho dân 16 chữ vàng… mã “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và bốn tốt… nước sơn (gần đây nghe nói lại thêm hạt xoàn gì đó, nhưng chắc chỉ là nhựa thôi, vì Trung Quốc làm hàng giả có tiếng mà) trong khi quân thù nó đang lăm le xâm chiếm mình; đến đối nội, nào đầy tớ của dân, nào dân chủ, nào tự do ngôn luận, nào sống và làm việc theo pháp luật. Cháu không cần phải nhắc lại nữa, những vụ việc gần đây đã đủ để nói lên chúng ta đang sống trong những giờ phút lịch sử chói lọi như thế nào, như việc ông Huỳnh Ngọc Sĩ chỉ bị xử ba năm tù vì… nhân thân tốt, mà nhiều người cho là quốc nhục; việc ông Đào Duy Quát chỉ bị phạt 30 triệu đồng dù đưa tin thất thiệt cho Việt Nam ngay trên trang web của Đảng Cộng Sản – mà nhiều người tự hỏi không biết vô tình hay cố ý, việc Tòa án nhân dân Tối cao đề nghị Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ nhận lại Đơn khởi kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, khiến nhiều người đặt câu hỏi phải chăng thủ tướng thì đứng trên pháp luật; trong khi các bloggers như chị Đoan Trang, anh Người Buôn Gió, chị Mẹ Nấm bị bắt, phóng viên Huy Đức bị mất việc vì bài Bức tường Berlin trên blog của ông, và kinh khủng nhất, theo cháu, là báo Du Lịch bị tạm thời đình bản vì đăng bài “nhạy cảm” mà nghe nói là chỉ vì khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, kéo theo 50 con người không lương ăn đến nay đã 5 tháng. Họ và gia đình họ đang sống chết ra sao?

Sao mà GIẢ DỐI thế? Sao mà KHỐN NẠN thế? Sao mà VÔ NHÂN TÍNH thế? Sao mà NHỤC NHÃ thế?

Đến nỗi Asia Sentinel, một tờ báo nước ngoài, đã viết: “Đối với những người lên tiếng chỉ trích chính quyền Trung Quốc thì chỉ có một nơi nói ra lại nguy hiểm hơn so với tại Trung Quốc nước mẹ, đó là Việt Nam.” Thế giới họ nói mình thế, còn gì là quốc thể nữa? Thế có khác gì nói Việt Nam là một dạng thuộc địa của Trung Quốc? Nhất là họ lại dùng từ ngữ “mother China”. Mà họ nói đúng hay là “đưa tin thất thiệt”? Làm người Việt mà không nhục khi đọc những từ ấy thì đừng làm người nữa.

Nhớ lại hồi xưa trong kháng chiến chống Mỹ người ta tha hồ hát “Hướng về Nam! Ai từng vô Sông Hương, từng nương Thiên Mụ, từng ngụ Đập Đá, Văn Xá, Truồi Nong“, hay “Nhìn phương Nam con nước vơi đầy thương nhớ, nhớ thương anh ơi!” hay “Chào em em gái tiền phương ơi em gái tiền phương. Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn.” hay “Cả miền Nam đang gọi chúng ta đi. [...] Đi ta đi tung cánh đại bàng, hát khúc nhạc hùng giải phóng miền Nam, giải phóng Miền Nam.” Hồi ấy chả ai cho là “nhạy cảm” cả. Ai có sức hát tha hồ hát. Ai có sức chửi cứ việc chửi: “Ngu nhất trên đời/Là tổng thống Mỹ” (thơ Trần Đăng Khoa).

Bây giờ thì khác. Hoàng Sa, Trường Sa bị cho là “nhạy cảm” khiến một số blogger bị bắt. Cuộc chiến 1979 cũng bị cho là “nhạy cảm”, trong khi một tác phẩm cũng đề tài đó đường đường xuất bản nhưng là do phía… bên kia viết, với mấy chữ PR ngoài bìa ca ngợi bên địch rõ ràng.

Cái thời đại này là cái thời đại gì? Thế hệ trẻ sẽ phải sống như thế này hay sao? Đây là cái gia tài mà thế thệ trẻ “trẻ trung năng động sáng tạo” sẽ được thừa hưởng?

Triết gia Bertrand Russell đã viết trong History of Western Philosophy: “Mối quan hệ giữa những người có trí tuệ xuất chúng với thời cuộc, trong những thời đại khác nhau thì rất khác nhau. Có những thời hạnh phúc mà họ nhìn chung là hài hòa với bên ngoài [...] Có những thời mà họ nổi loạn, cho rằng cần phải có những thay đổi triệt để, nhưng tin tưởng rằng nhờ có đấu tranh của họ mà những thay đổi sẽ được thực hiện trong tương lai gần. Nhưng có những thời mà họ đau đớn vì thế giới, và cảm thấy rằng, dù chính họ biết những gì là cần thiết, không có hy vọng gì là những thứ ấy sẽ được đem tới“. Cháu chỉ là một người bình thường, chứ không phải là một người xuất chúng gì cả, nhưng ít nhất cháu cũng có cảm nhận của riêng cháu. Và dù cháu luôn cố tin rằng thời đại mình đang sống thuộc loại thứ hai, đôi khi cháu tự hỏi mình có quá lạc quan không và phải chăng nó thuộc loại thứ ba? Phải chăng cha ông chúng cháu hy sinh xương máu để cháu sống như vậy?

Cha ông chúng cháu với bầu máu nóng, trong thời tuổi trẻ của họ, đã từng rưng rưng đọc “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/ Mặt trời chân lý chói qua tim” của Tố Hữu, người mà nếu không có công nghệ thông tin thì cháu sẽ không bao giờ được biết ông đã là một nhân vật đắc lực trong vụ đàn áp Nhân Văn Giai Phẩm, một tai họa cho biết bao nhiêu văn nghệ sỹ cấp tiến, kết quả là người thì tù tội, người thì bị tước quyền sáng tác. Cha ông chúng cháu cũng đã từng thả hồn hát “Đảng đã cho ta một mùa xuân đầy ước vọng“. Nhưng cháu cho rằng, trong cuộc Cách mạng tháng Tám và hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, họ từ bỏ người thân, nhà cửa, ruộng vườn, nhà máy, giảng đường, cầm súng lên đường chiến đấu, thực ra là vì độc lập tự do, vì chủ quyền đất nước, vì toàn vẹn lãnh thổ, vì truyền thống đấu tranh của người Việt Nam suốt mấy nghìn năm qua, những điều mà giờ đây đang thôi thúc chị Đoan Trang, chị Mẹ Nấm, anh Người Buôn Gió, chú Huy Đức, chứ không phải vì một chủ nghĩa nào, một mô hình kinh tế nào, một trường phái triết học nào. Có ai đi tranh đấu cho một cái gì mà mình chưa hiểu thấu đáo? Có ai xả thân cho một trường phái triết học, một mô hình kinh tế trong khi chưa nắm rõ lịch sử triết học hay môn kinh tế học? Có chăng, thì là mình bị lừa.

Bản thân cháu, hồi bé cháu vẫn hát “Sướng vui có Đảng tiền phong. Có Đảng là ánh thái dương sống yên vui trong tình yêu thương. Cuộc đời ngàn năm bừng sáng [...] Có sách mới áo hoa đây là nhờ ơn Đảng ta/Vui tung tăng em ca hát mừng cuộc đời nở hoa“. Cháu từng tin rằng mình may mắn hơn các bạn cùng tuổi bên Anh, bên Pháp vì họ sống ở một chế độ mà theo người lớn nói là không tiên tiến bằng bên ta. Cháu từng đọc Thép đã tôi thế đấy.

Nhưng rồi khi cháu lớn lên thì cháu dần thất vọng vì cuộc sống. Ở đại học người ta nhồi nhét vào đầu cháu “Xét lại chủ nghĩa xã hội là đi ngược lại quyền lợi của giai cấp lao động và quyền lợi dân tộc”. Chủ nghĩa xã hội là gì mà xét lại thì trái đạo đức thế? Chẳng phải Descartes nói rằng con người ta có quyền nghi ngờ mọi thứ hay sao? Chằng phải Jostein Gaarder cho rằng triết học bắt đầu khi con người nghi ngờ về các giá trị được xem là nghiễm nhiên? Họ còn nói “Bác Hồ đã đi qua biết bao nhiêu nước, tiếp xúc với rất nhiều trường phái triết học, nhưng Bác cho rằng chủ nghĩa Mác-Lê là tiên tiến nhất. Chủ nghĩa Marx là đỉnh cao triết học” vân vân và vân vân. Thế hóa ra dân Tây Âu và Mỹ dại thế. Họ có những trường đại học hàng đầu thế giới (mà Việt Nam đang vay 400 triệu đôla Mỹ từ Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Á châu để sao chép), có những bộ óc đoạt giải Nobel mà sao lại không đấu tranh cho một cơ hội sống tốt đẹp hơn? Họ không ganh tị với dân Việt Nam và Bắc Triều Tiên sao? Sao dân Đông Đức dại thế, tội tình gì mà trèo qua bức tường Berlin cho khổ ra? Sao dân Hungary vô ơn thế, chủ nghĩa xã hội sụp đổ thì quay ra mở Memento Park trưng bày những chứng tích để bôi xấu một thời đại huy hoàng? Ở trường đại học họ còn dạy cháu thế này nữa: Chủ nghĩa tư bản đang giãy chết, xã hội tư bản suy đồi, giới trẻ tư bản ăn chơi trụy lạc.

Cháu thu mình lại và chính môi trường “cộng sản” đã biến cháu thành một anh rất “tiểu tư sản” (nói theo ngôn ngữ của những người cộng sản) tức là việc mình mình làm, cuối tháng lĩnh lương, giải trí thì đã có tiểu thuyết, âm nhạc; không quan tâm đến chính trị, thời sự, có trên lo cả, việc gì phải tính. Cháu rất kỵ những từ như “dân chủ”, “tự do ngôn luận”. Không phải bởi cháu không ý thức được về những quyền đó, mà là cháu rất sợ bị quy kết là “phản động”. Đấy là việc của những ông nhà văn, nghệ sỹ, mà biết đâu lại còn là phản động thật đội lốt; mình là nhân viên quèn chỉ cần đủ ăn là may.

Nhưng từ khi cháu được biết về dự án bauxite ở Tây Nguyên, cháu mới hiểu quyền con người được công khai phản biện, được biểu tình quan trọng thế nào, và cháu cũng thấy được Đảng CSVN và nhà nước xem sinh mạng của cháu ra sao; và lòng tin của cháu vào Đảng CSVN và nhà nước, vốn đã chẳng vững vàng từ trước, hoàn toàn bị sụp đổ. Đó là một sự thật mà, nếu được phép nói trung thực, cháu không thể nói khác. Cháu không tham gia đảng phái nào và hoàn toàn không nhận viện trợ của hải ngoại. Người ta tin mình hay không là trước hết ở tại mình, đừng đổ tại ai. Cháu chỉ là một người dân thường, bằng xương bằng thịt. Chính vì cháu là con người chứ không phải robot nên niềm tin của cháu là có điều kiện.

Và những sự kiện theo sau như vụ báo điện tử của Đảng Cộng Sản đưa tin thất thiệt chỉ xóa tan những gì còn sót lại của cái niềm tin đổ vỡ ấy.

Cháu không còn cảm thấy mình được Đảng CSVN và nhà nước bảo vệ nữa. Cháu cảm thấy bất an và lo lắng cho bản thân, gia đình, cũng như nỗi sợ phải sống trong cảnh nô lệ luôn ám ảnh cháu. Hình ảnh người dân Tây Tạng và Tân Cương nổi loạn khiến cháu tự hỏi: Tương lai của mình đây sao? Làm sao cháu ngủ ngon được khi hàng trăm “lao động phổ thông” (tạm gọi họ là thế, dù không rõ họ có phải lao động phổ thông hay không, vì nguồn lực này Việt Nam không thiếu và cũng không cho phép nhập khẩu) từ Trung Quốc, nước luôn lăm le xâm chiếm Việt Nam, đang khai thác bauxite trên Tây Nguyên? Chẳng phải thực dân Pháp đã rất coi trọng tính chiến lược của miền đất này hay sao? Chẳng phải quân ta khi đánh Mỹ đã đánh từ Tây Nguyên xuống? Trong khi ấy, bên kia biên giới Trung Quốc đã thuê đất Campuchia trong 99 năm với một diện tích gấp 20 lần luật pháp Campuchia cho phép, một sự vi hiến của thủ tướng Campuchia. Sao lại tình cờ thế nhỉ?

Cháu không còn cảm thấy mình được Đảng CSVN và nhà nước tôn trọng nữa. Cháu thật ra chỉ là con tốt đen sẽ bị hy sinh mà thôi khi dự án bauxite hóa ra là con ngựa thành Troy. Xét cho cùng, sinh mạng cháu là cái đinh gì? Bố mẹ cháu mang nặng đẻ đau chăm cháu từng ngày, biết bao công lao tốn kém, nhưng với người khác, ô hay, sinh mạng cháu ảnh hưởng gì đến họ? Mà tại sao cháu nghĩ về mình nhiều như thế? Hàng chục triệu con người khác cũng đang sống ở miền Nam này thì đã sao nào? Họ có ra sao thì cũng ảnh hưởng đến ai?

Với Quyết định 97 thì những thứ như “năng động”, “sáng tạo”, 8x cứ nằm đấy mà mơ. Mỡ có mà húp rồi, [xe] cúp có mà đi rồi, đòi gì lắm thế? Thôi thì an phận làm anh “tiểu tư sản” đui mù, nhưng có an phận được không với dự án bauxite Tây Nguyên?

Cuộc sống cháu trở nên bế tắc. Cháu có cảm giác thời mình sống nó giống như thời của Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Tú Xương, Nguyễn Gia Thiều khi con người bất lực và chỉ biết làm thơ kêu trời. Người ta đã làm phép so sánh vui: nếu tính theo lý thuyết trôn ốc của chủ nghĩa Marx (mọi thứ lặp lại với hình thức tinh vi hơn) thì thời mình nó là phong kiến mới, chứ chả phải cộng sản. Cũng tinh vi thật vì hồi xưa vua quan không tự xưng là vì dân, ai cũng biết mọi thứ là vì vua, vì quan, có dân chủ lắm thì quan cũng tự gọi mình là “dân chi phụ mẫu” (cha mẹ của dân) chứ không ai gọi mình là “đầy tớ của dân” cả. Dân có bất mãn mà nổi loạn thì vua quan chém đầu, chém vì mày dám láo với ông chứ không phải vì mày “đi ngược lại quyền lợi của giai cấp, của nhân dân, của đất nước, đi ngược lại lý tưởng mà người dân đã lựa chọn”. Người ta cũng so sánh: nếu thời Pháp thuộc, nửa phong kiến nửa thực dân mà chế độ kiểm duyệt nhiều điều “nhạy cảm” như bây giờ thì làm sao những quyển như Số đỏ sống sót được? Thời Mỹ ngụy, mà giờ đây ta phỉ báng, báo chí Sài Gòn phần lớn là đối lập, người ta vẽ tranh châm biếm ông Thiệu, gọi ông ta là Sáu thẹo thì đã sao?

Cái xoáy trôn ốc tạo ra phong kiến mới thì nó cũng tạo ra Chí Phèo mới. Cháu giờ đây đến viết blog chửi kẻ thù, ra đường phản đối dự án bauxite Tây Nguyên như chị Mẹ Nấm cũng chẳng dám vì sẽ bị quy kết là “gây rối” ngay. Im mồm thì lo bị đánh từ Tây Nguyên. Cháu có còn là một con người nữa không? Hay là một thằng Chí Phèo biết dùng internet và tiếng Anh (theo lý thuyết xoáy trôn ốc thì Chí Phèo mới phải tinh vi hơn Chí Phèo cũ)? Nếu được trung thực nói về cảm nhận của mình về thời thế, cháu sẽ không hát “Đảng đã cho ta một mùa xuân đầy ước vọng” hay “Có Đảng là ánh thái dương” nữa, mà cháu sẽ mượn mấy câu của người cung nữ bị giam hãm trong Cung oán ngâm khúc: “Giết nhau chẳng cái lưu cầu/Giết nhau bằng cái u sầu độc chưa?

Chúng cháu có thua gì các bạn cùng tuổi cháu ở các nước khác? Nhưng ai đã biến cháu thành một thằng Chí Phèo thời internet? Đây là một tội ác.

AI?

Việt Thắng

Nhà Lưu niệm cho nhà thơ - Tiếng đầu lòng con gọi Stalin!

Ngày 4 thánng 10, khánh thành nhà lưu niệm nhà thơ của bài

Yêu biết mấy, nghe con tập nói
Tiếng đầu lòng con gọi Stalin!
....

Ông Stalin ơi, Ông Stalin ơi!
Hỡi ơi, Ông mất! Đất trời còn không?
Thương cha, thương mẹ, thương chồng
Thương mình thương một, thương Ông thương mười!
và đây: giết ai và thờ ai ?

“Giết giết nữa bàn tay không ngừng nghỉ,
Cho ruộng đồng tươi tốt, thuế mau xong,
Cho Đảng bền lau cùng rập bước chung lòng,
Thờ Mao chủ tịch, thờ Xit-ta-lin bất diệt…””

(đọc bài nầy, tôi lạnh người)


Ôi trời ơi! Ôi tổ tiên Việt Nam ơi !

ps: Tôi mới biết mấy bài thơ trên cách đây vài năm và cứ tưởng những bài đó làcủa "bọn phản động" viết để bôi bác chế đô. Nhưng không ngờ đây lại chính là bài của Tố Hữu, người đã từng là phó thủ tướng của VN.




--------------------------------------------------------------------------------------
Bài rất hay sau đây được mang từ blogosin.org (Huy Đức) .
Đất nước sao nhiều lận đận! :


"
Ngày nay, nếu đọc lại những bài viết của nhóm Nhân Văn, phải công nhận là nước ta đã từng có những nhà trí thức khả kính. Đất nước ra nông nỗi hiện nay là bởi lịch sử đã không chọn họ. Nguyễn Hữu Đang bị tù 17 năm (sau 7 năm thì được tha); Phùng Cung, tác giả truyện ngắn “Con ngựa già của chúa Trịnh”: 7 năm tù giam; Vũ Duy Lân (Bộ Nông lâm, bị nghi là cho Nguyễn Hữu Đang một áo len khi đang đi tù): bị giam 7 năm mới tha; Giám đốc Nhà xuất bản Minh Đức: 17 năm… Khi Hoàng Cầm cho in Nhất Định Thắng, Trần Dần bị mất chức và sau đó bị bắt giam. Nếu Trần Dần không dùng lưỡi lam rạch cổ, có lẽ thời gian “ở trong lao” của ông không chỉ là 3 tháng. Trong tình cảnh ấy, mấy câu thơ: Những ngày ấy bao nhiêu thương xót/ Tôi bước đi/ không thấy phố/ không thấy nhà/ Chỉ thấy mưa sa/ trên màu cờ đỏ…"

Sau đây là toàn bài viết của Huy Đức

Trần Dần & Tố Hữu

(Nhân khánh thành Nhà Lưu Niệm Tố Hữu Post lại một bài viết từ thời Yahoo 360)

Tất nhiên, không ai tin việc tập thơ Trần Dần bị “niêm phong” chỉ vì vài cái lỗi về thủ tục. Nhưng thôi, đó cũng là một lối ra rất đỡ mất mặt. Dù sao, Thơ Trần Dần cũng đã bán rất chạy, ngay đến cậu con trai tôi, 15 tuổi, cũng tò mò.

Thơ ông đa nghĩa quá. Chỉ riêng một bài Nhất Định Thắng, tôi nghĩ, đã có thể vừa quy kết ông là một tên phản động cực kỳ nguy hiểm, vừa có thể ca ngợi ông như một người yêu nước nồng nàn. Không hiểu sao, cho tới nay, chưa thấy ai làm một bộ phim truyện dựa trên bài thơ ấy. Ta ở phố Sinh Từ… Một giai đoạn lịch sử buồn đau của đất nước hiện ra mồn một trong mỗi câu thơ của ông.

Khi Trần Dần viết bài thơ ấy, đất nước đang bị phân đôi, ở miền Bắc chiến tranh kết thúc. Nhưng, cuộc sống của người dân thì không có hòa bình. Trần Dần viết: Tôi đi giữa trời mưa đất Bắc/ Đất hôm nay tầm tã mưa phùn/ Bỗng nhói ngang lưng/ máu rỏ xuống bùn/ Lưng tôi có tên nào chém trộm? Không hiểu, hình tượng “vết chém ngang lưng” ông viết ở đây là để nói về nỗi đau chia cắt tổ quốc hay chỉ đơn giản nói về cái không khí ngột ngạt ở miền Bắc, cái không khí mà đến 30 năm sau, Hữu Loan vẫn nhớ: “Thành viên nào (trong cộng đồng) cũng chứa toàn âm mưu đen tối để chủ hại người bên cạnh”.

Theo Hiệp định Geneve, người dân có một thời gian dài để chọn cho mình miền Nam hay miền Bắc. Nhưng lúc ấy, không có ai tự nguyện từ miền Nam chạy ra “Miền Bắc thiên đường của các con tôi”. Trong khi, hàng triệu người dân đã gồng gánh vào Nam để lại mồ mả ông bà trên đất Bắc. Thoạt đầu, có vẻ như Trần Dần trách móc, thậm chí ông đã buộc tội “những bạn đi Nam” là Thiếu quả tim bộ óc! Nhưng rồi quan sát kỹ hơn, ông buột hỏi: Họ vẫn ra đi/ – Nhưng sao bước rã rời?/ Sao họ khóc?/ Họ có gì thất vọng?

Trong những ngày xây dựng Chủ Nghĩa Xã Hội ấy, tình hình Thế giới được “quán triệt” thành hai “phe” Xô- Mỹ. Nhưng cái “phe” mà ông quan tâm cũng “căng thẳng” vô cùng: Gặp em trong mưa/ Em đi tìm việc/ Mỗi ngày đi lại cúi đầu về/- Anh ạ!/ Họ vẫn bảo chờ… Ông nghĩ: Trăm cái bận hàng ngày nhay nhắt./ Chúng ta vẫn làm ăn chiu chắt./ Ta biết đâu bên Mỹ miếc tít mù/ Chúng còn đương bày kế hại đời ta? Nhưng “cơm áo” không phải là những gì ngột ngạt nhất mà những người như ông đã từng nếm trải.

Theo tác giả của Màu Tím Hoa Sim, nhà thơ Hữu Loan: Trên thực tế, khi ấy, rất hiếm những bí thư, chủ nhiệm, thủ kho, cửa hàng trưởng tốt, phải nói hầu hết là ăn cắp, thi nhau để ăn cắp, nhưng văn học không được nói thực mà phải dựng lên toàn là những người lý tưởng. Các văn nghệ sỹ lúc ấy phải học tập những tài liệu hiện thực xã hội chủ nghĩa, từ Liên Xô đưa về, rồi tự Diên An (Trung Quốc) đưa sang. Nghĩa là văn nghệ chỉ được nói đến cái xã hội thiên đường vô cùng đẹp chưa có, chưa biết bao giờ mới có, chứ không được nói đến những cảnh trộm cướp áp bức bóc lột đang diễn ra trước mắt. Theo ông Hữu Loan: Khi một nhà báo hỏi: “Như vậy là Cách mạng đã cấm tự do ngôn luận?” Ông Trường Chinh sửng sốt: “Anh nói sao? Các anh được tha hồ tự do chửi đế quốc đó thôi.” Tố Hữu là một trong những nhà lãnh đạo hăng hái đưa “hiện thực XHCN” vào văn nghệ. Trong khi Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm… phản đối đường lối này. Những người phản đối sau đó, lần lượt dính vào một vụ án gọi là “Nhân Văn Gia Phẩm”.

Phong trào Giai phẩm và Nhân Văn bắt đầu khi hai nhà thơ Trần Dần, Lê Đạt phê phán tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu là “dòng thơ lục bát không có gì mới, nội dung vân vê kỷ niệm không lấy gì làm sâu sắc”. Trần Dần là người phê nặng lời nhất. Tuy nhiều người tán thành với nhận xét này nhưng tập thơ vẫn giành được giải nhất đầu năm 1956. Về sau, nhóm Nhân Văn còn viết nhiều bài được coi như là những “Thất Trảm Sớ”, đặc biệt, bài của Nguyễn Hữu Đang nói về thiết lập nhà nước Pháp quyền. Ngày nay, nếu đọc lại những bài viết của nhóm Nhân Văn, phải công nhận là nước ta đã từng có những nhà trí thức khả kính. Đất nước ra nông nỗi hiện nay là bởi lịch sử đã không chọn họ. Nguyễn Hữu Đang bị tù 17 năm (sau 7 năm thì được tha); Phùng Cung, tác giả truyện ngắn “Con ngựa già của chúa Trịnh”: 7 năm tù giam; Vũ Duy Lân (Bộ Nông lâm, bị nghi là cho Nguyễn Hữu Đang một áo len khi đang đi tù): bị giam 7 năm mới tha; Giám đốc Nhà xuất bản Minh Đức: 17 năm… Khi Hoàng Cầm cho in Nhất Định Thắng, Trần Dần bị mất chức và sau đó bị bắt giam. Nếu Trần Dần không dùng lưỡi lam rạch cổ, có lẽ thời gian “ở trong lao” của ông không chỉ là 3 tháng. Trong tình cảnh ấy, mấy câu thơ: Những ngày ấy bao nhiêu thương xót/ Tôi bước đi/ không thấy phố/ không thấy nhà/ Chỉ thấy mưa sa/ trên màu cờ đỏ… không hẳn là không mang ít nhiều ẩn dụ.

Cho dù phải sau khi Tố Hữu chết, các ông Hữu Loan, Trần Dần, Lê Đạt… mới được “chiêu tuyết”, vụ “Nhân Văn” không đơn giản chỉ là những vấn đề giữa các cá nhân với nhau. Một nhà nghiên cứu viết, ở thời điểm ấy, thay đổi là một quy luật. Người biết và sử dụng được quy luật thì thăng quyền tiến chức, như Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi; người biết, nhưng chỉ né tránh thì tồn tại như Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng; hay xa lánh như Nguyên Hồng. Người không biết, thì đành phải sa hầm sẩy hố… Kể ra thì, các bác ấy sống quá tử tế, làm thơ quá thơ, tính đa nghĩa trong thơ của các bác ấy thật dễ để mà suy diễn. Nếu, 50 năm trước, các bác ấy cứ theo Tố Hữu, viết huỵch toẹt: Má thét lớn tụi bay đồ chó/ Cướp nước tao, cắt cổ dân tao…; hay thật xạo: Yêu biết mấy nghe con tập nói/ Tiếng đầu lòng con gọi Stalin… rồi trơ trẽn khi nghe tin Stalin chết: Thương cha, thương mẹ, thương chồng/ Thương mình thương một, thương Ông thương mười, thì cuộc đời các bác ấy chắc chắn đã không phải thế.

Viết như thế không chỉ giúp Tố Hữu leo dần tới BCT, đã từng có lúc ông nhà thơ khẩu hiệu này lãnh đạo sự nghiệp phát triển kinh tế cho đất nước. Chúng ta không chỉ là nạn nhân của ông ở góc độ “giá lương tiền”. Suốt gần 30 năm, sách vở ngập tràn thơ Tổ Hữu. Bài thi nào cũng Tố Hữu. Giải bình thơ hay nào cũng Tố Hữu. Biết bao thế hệ đã tưởng đấy là thơ. Dân trí đã từng bị đặt trong cái “thênh thang 8 thước” đó. Nay thì Tố Hữu đã chết. Mới đây, gia đình ông đã bán nốt căn biệt thự ở phố Hồ Xuân Hương với giá tính bằng đô la cũng hơn 7 triệu.

Trong khi những người như Tố Hữu được ban những bổng lộc như vậy, những người như Trần Dần, Hữu Loan lại bị đọa đày. Bà Phạm Thị Nhu, vợ ông Hữu Loan, kể: “Chúng tôi nuôi 10 đứa con thật vô cùng vất vả. Ông nhà tôi đi thồ đá, tôi làm 2 sào ruộng, lại xay bột làm bánh bán ở chợ. Hôm nào bán ế là gánh về một gánh nặng, cả nhà ăn trừ bữa. Tôi cứ xào một xoong to toàn các thức rau, các con đi học về là nhào vào múc ăn thay cơm. Ba đứa trai lớn thì hàng ngày phải dậy từ 3 giờ sáng, kéo 3 chuyến xe cải tiến chở đá từ trên núi xuống hồ cách 2 cây số, bán cho các thuyền rồi mới ăn vội bát cơm độn để chạy bộ 7 cây số đi học“. Các con của Hữu Loan gần như không có ai vào được đại học vì lý lịch của một kẻ “Nhân Văn”. Một người con thi đủ điểm đi học nước ngoài cũng không được đi học. Ông đã bị biết bao người thân trách cứ. Nhưng, khi quyết định rời bỏ Hà Nội về quê, Hữu Loan đã nói với vợ: “Thôi thì bà với các con chịu khổ để cho tôi được sống lương thiện. Tôi mà chịu khó hót thì nhà lầu xe hơi sung sướng đấy, nhưng tôi không làm được”. Ông giải thích: “Làm nhà văn khó lắm. Viết vừa lòng nhà nước thì dân chửi, viết vừa lòng dân thì đi tù như chơi. Thôi tôi về đi cày”.

Đôi khi nghĩ, những người như Hữu Loan, Trần Dần dại thật. Nhưng, Những ngày ấy bao nhiêu thương xót, làm sao có thể bắt những người như các ông có thể quay lưng lại với nhân dân!






Sunday, October 4, 2009

400 Tu sĩ Bát Nhã và Bọn Không Có Lương Tri Nhân Loại


Tu viện Bát Nhã: Kinh sách, vật dụng, pháp khí ... bị thiêu đốt tại xóm Bếp Lửa Hồng
Hình chụp ngày 4 tháng 10 năm 2009.
Phải chăng đây là cảnh đốt sách của Tần Thủy Hoàng, Mao Trạch Đông ?
Trong lịch sử Việt Nam, cảnh nầy đã xảy ra chưa ?

Giải thích thế nào về những gì đang xảy ra tại Bát Nhã, Phước Huê ?





phuoc hue (3)
















Tượng bị phá
















Các Tu sĩ trên đường lánh nạn
từ chùa Bát Nhã sang chùa Phước Huệ
















Hình ảnh tu sĩ (xem ra tuổi rất trẻ) xuất gia tại Bát Nhã, năm 2005 ...
http://phusaonline.free.fr/PhatHoc/TinTuc/TDTS_6/BatNha-VuSua-2005.jpg


"Con muốn tu thôi mà"